Không quân Hiện đại hóa Quân đội nhân dân Việt Nam

Nâng cấp trang bị

Tháng 3 năm 2000, Ấn Độ và Việt Nam đã ký Hiệp định về Hợp tác quốc phòng, theo đó, Ấn Độ sẽ tiến hành bảo dưỡng và sửa chữa toàn bộ cho các máy bay MiG-21 hiện đang có trong trang bị và hỗ trợ huấn luyện các phi công chiến đấu và kỹ thuật viên của Việt Nam. Tháng 3 năm 2005, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã đến thăm Ấn Độ để bản thảo sâu hơn về việc Ấn Độ hỗ trợ bảo dưỡng và sửa chữa các máy bay chiến đấu MiG. Và tháng 10 năm 2006, Ấn Độ đã cung cấp một số phụ tùng dự trữ cho máy bay MiG-21 của Việt Nam.

Cuối năm 1999, cơ quan quản lý vũ khí trang bị Rosoooruzheniye của Nga đã tiến hành đàm phán để nâng cấp những chiếc Su-27Su-30 hiện có của Việt Nam để chúng có thể mang được tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn R-77 (AA-12), tên lửa không đối hạm Kh-31 (AS-17) và các loại tên lửa không đối đất Vympel Kh-27 (AS-14) và Kh-59M (AS-18).

Năm 2010, Ấn Độ giúp cho Việt Nam nâng cấp những máy bay MiG-21 cũ của Không quân Việt Nam lên thành MiG-21 Bison cùng các phụ tùng hải quân. Mig-21 Bison là gói nâng cấp hiện đại nhất của Mig-21, và có lẽ đây cũng là gói nâng cấp cuối cùng của loại máy bay huyền thoại này. Những máy bay nâng cấp MiG-21 Bison có hiệu suất tốt và có thể chống lại được những máy bay F-15F-16 của Không quân Hoa Kỳ trong cuộc tập trận chung Ấn Độ-Hoa Kỳ.[35] Năm 2015 Việt Nam cho về hưu tất cả MIG 21.

Mua sắm vũ khí

Những khó khăn về tài chính đã hạn chế khả năng mua sắm một lượng lớn các máy bay chiến đấu đa năng và máy bay tiêm kích ném bom của Việt Nam.

Cuối thập niên 1980, trung đoàn 937 được tiếp nhận những máy bay Su-27SK/UB đầu tiên của Việt Nam. Đây là thế hệ máy bay hiện đại nhất mà Việt Nam có bấy giờ, được mua sắm với giá thị trường. Lần lượt trong những năm tiếp theo, do thiếu kinh phí, Không quân Việt Nam đành tạm hài lòng với khoản nâng cấp, kéo dài tuổi thọ của các máy bay MiG-21Su-22, dù số giờ bay huấn luyện càng lúc càng giảm cũng như số tai nạn do thiết bị cũ tăng lên. Dù vậy, họ vẫn tiếp tục mua sắm các máy bay hiện đại Su-27/30 hiện đại hơn, dù chỉ với số lượng ít và nhỏ giọt.

Trong những năm gần đây, đứng trước sức ép của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam bắt đầu cương quyết hơn trong việc trang bị cho lực lượng không quân của mình nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo. Những hợp đồng trang bị mới nhất cho thấy việc gia tăng trang bị những mẫu máy bay chiến đấu hiện đại như Su-30 hoặc những quan tâm đến mẫu tiêm kích thế hệ mới nhất như MiG-35, cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc tăng cường sức mạnh không quân của mình.[36][37]

Năm 1996, Không quân nhân dân Việt Nam đã đàm phán mua 2 phi đội máy bay Dassault Mirage 2000 từ Pháp nhưng bị ngăn cản vì lệnh cấm vận quân sự của Hoa Kỳ với Việt Nam.

Trong giai đoạn 1994 tới 2004, Việt Nam mua tổng cộng 12 chiếc máy bay hiện đại của Sukhoi từ Nga, bao gồm:

  • 7 chiếc Su-27SK một người lái,
  • 3 chiếc Su-27UBK huấn luyện, hai người lái và
  • 2 chiếc Su-27PU (phiên bản đầu của Su-30).

Trong các năm từ 1996 đến 1998, Nga đã nâng cấp 32 chiếc máy bay tiêm kích bom Su-22M4 một người lái và 2 chiếc Su-22UM3 huấn luyện, 2 người lái.

Năm 2004, Việt Nam mua từ 4 tới 10 chiếc máy bay tiêm kích bom Su-22M4 từ Cộng hòa Séc, bao gồm cả phụ tùng, đạn dược và nhận 4 máy bay Sukhoi Su-30MK2 từ Nga - đây là loại máy bay hiện đại nhất của Không quân Nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ. Sau đó Việt Nam đạt thỏa thuận nâng cấp các máy bay để có thể mang được tên lửa diệt hạm. Các báo cáo trong năm 2005 cho thấy Việt Nam có nhu cầu mua thêm từ 8 tới 10 chiếc máy bay chiến đấu hiện đại mà ưu tiên là Su-27 hoặc Su-30MKK. Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính nên dẫn tới việc Việt Nam phải mua 40 chiếc Su-22M4 đã qua sử dụng của Ba Lan thay cho mua máy bay mới.

Trong các báo cáo thường niên gửi tới UNROCA, Việt Nam đã thừa nhận chỉ mua có 12 chiếc máy bay chiến đấu trong giai đoạn 1992-2006. Điều này có thể hiểu, các máy bay chưa được chuyển giao vì còn đang phải nâng cấp ở nước ngoài.

Tuy nhiên, trong cùng giai đoạn, Ukraina báo cáo đã giao 6 chiếc MiG-21UM (1996), 10 chiếc L-39 (2002 và 2003) và 3 chiếc Su-22 (2005) cho Việt Nam.

Năm 2005, Cộng hòa Séc báo cáo đã bán chỉ 5 chiếc Su-22UM3 cho Việt Nam.

Trong tháng 9 và 10 năm 2008, trong chuyến thăm được đánh giá là thành công của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng Chủ tịch nước tới Nga, Việt Nam đã bày tỏ ý định mua tới 20 chiếc Su-30 và có thể là cả MiG-29. Việt Nam đã đặt mua 8 chiếc Su-30MK2 từ công ty Rosoboronexport, giao hàng dự kiến trong 2010-2011. Tháng 1/2009, Rosoboronoexport đã ký hợp đồng cung cấp cho Việt Nam 8 máy bay tiêm kích Su-30MK2 từ năm 2010 trị giá hơn 500 triệu USD (chưa kể vũ khí). Ông Aleksandr Fomin cho biết: "Chúng tôi sẽ bắt đầu các hoạt động tư vấn thực tế vào mùa thu này về khả năng cung cấp cho Việt Nam lô tiếp theo các máy bay này", nhưng không nói rõ số lượng. Tuy nhiên, một nguồn tin tại Rosoboronoexport nói đến con số 8-12 chiếc Su-30MK2.

Ngày 19/6/2009, tại triển lãm hàng không Le Bourget, Pháp, Phó Giám đốc Cục Hợp tác KTQS Liên bang Nga (FSVTS) Aleksandr Fomin tiết lộ Nga và Việt Nam đã đàm phán hợp đồng bán cho Việt Nam lô tiếp theo máy bay tiêm kích Su-30MK2 gồm 12 chiếc vào mùa thu, giao hàng 2012-2013.

Năm 2009, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã rút lệnh cấm xuất khẩu trực thăng quân sự cho Việt Nam qua sự vận động lâu dài của tập đoàn Executive Decision Export Services Group. Thay thế vào đó các trực thăng Hoa Kỳ xuất khẩu sang Việt Nam phải được thiết kế cho các công tác chuyên vận hay cứu hộ (SAR).

Sau khi lệnh cấm vận được gỡ bỏ, Việt Nam đã ký kết các hợp đồng nâng cấp những chiếc UH-1H Huey thu được sau chiến tranh Việt Nam. Đồng thời Bộ Quốc phòng Việt Nam đã ký hợp đồng mua trực thăng của Pháp. Bao gồm: EC-155B, AS-350B3, SA-332L2, SA-330J, EC-225... Các loại máy bay này được chuyển giao cho Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam.

Năm 2010, Việt Nam đặt mua 12 chiếc Sukhoi Su-30MK2V và đến tính năm 2012 đã nhận được 11 chiếc trong số đó. Hiện nay, Không quân Nhân dân Việt Nam đang sở hữu 1 phi đội máy bay tác chiến trên biển Su-30 gồm 23-24 chiếc.

Chế tạo máy bay

Từ những năm 80, Việt Nam đã đề xuất chương trình chế tạo máy bay. Ba chiếc máy bay TL-1, HL-1, HL-2 được chế tạo phục vụ công tác huấn luyện. Tuy nhiên, các máy bay này dần được lưu kho và hiện nay trở thành hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Phòng không - Không quân, Hà Nội.[38]

Năm 2003, Hội Cơ học Việt Nam đã phối hợp với chuyên gia về máy bay loại nhỏ Vimar Nguyễn tiến hành sản xuất loại máy bay siêu nhẹ VAM. Năm 2004, chiếc VAM-1 bay thí nghiệm.[39] Năm 2007, chiếc VAM-2 nhiều lần bị Cục hàng không Việt Nam từ chối cấp phép bay và hoàn toàn "đắp chiếu".[40] Sau thất bại của máy bay VAM, năm 2004, Nhà máy A41 thuộc Cục Kỹ thuật quân chủng Phòng không - Không quân được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ tiếp thu dự án chế tạo thủy phi cơ. Năm 2005, Nhà máy Á đã chế tạo thành công máy bay lưỡng dụng siêu nhẹ VNS-41.[41] VNS-41 hiện đang được đưa vào sử dụng cho mục đích tuần tra.

Việc nghiên cứu, chế tạo máy bay không người lái của Việt Nam bắt đầu từ năm 1996, với việc sản xuất các loại UAV mục tiêu M-96/M-96D phục vụ cho lực lượng tên lửa, pháo cao xạ huấn luyện. Năm 2004, M-96 được Viện Kỹ thuật Phòng không - Không quân cải tiến thành M-100CT, được xem như tiền đề vững chắc để tiến tới hiện thực hoá giấc mơ chế tạo thành công UAV. Cùng thời điểm đó, dự án "Thiết kế chế tạo máy bay không người lái điều khiển theo chương trình" thành công sau 5 năm (2001-2005). Máy bay do thám không người lái M-400 UAV đã được đưa vào sử dụng.[42]

Năm 2010, đề tài phát triển UAV được triển khai thành đề tài cấp nhà nước, thu hút các đơn vị quân đội, viện nghiên cứu bắt tay tham gia. Năm 2011, Tập đoàn Viettel bắt tay vào nghiên cứu chế tạo UAV VT-Patrol, VT-Pigeon. Các loại UAV này đươc triển khai đợt bay thử nghiệm vào tháng 8 năm 2013.[43] Cùng năm, Viện Kỹ thuật quân sự Phòng không - không quân công bố đã triển khai và chế thứ 5 mẫu máy bay không người lái để phục vụ huấn luyện cho máy bay Su-30MK2. Trong số các mẫu thử nghiệm, UAV-02 thể hiện tính năng tốt hơn. Trước đó, năm 2012, Hội hàng không - vũ trụ Việt Nam (VASA) đã đàm phán với tập đoàn sản xuất máy bay không người lái Unmanned System Group (UMS) của Thụy Điển.[44] Ngày 20 tháng 11 năm 2012, buổi lễ ký kết diễn ra tại Hà Nội. Theo đó, đối tác Thụy Điển giới thiệu mẫu UAV tầm trung có tên gọi Magic Eye 01 (Mắt Thần 1).[45]

Năm 2010, một nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra UAV KATA, nhằm mục đích quan trắc môi trường, tìm kiếm cứu nạn.[46] Tháng 5 năm 2013, Liên hiệp Khoa học - Sản xuất công nghệ cao viễn thông - tin học (HTI) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đã tổ chức bay thử nghiệm thành công 3 mẫu UAV thuộc đề tài "Nghiên cứu chế tạo tổ hợp UAV phục vụ nghiên cứu khoa học" do tiến sĩ Phạm Ngọc Lãng làm chủ nhiệm.[47][48] Tháng 10 năm 2015, tại Chợ Công nghệ và thiết bị Quốc tế Việt Nam 2015 (Techmart 2015), Viện Vật lý ứng dụng và Thiết bị khoa học đã giới thiệu UAV Pelican VB-01 phục vụ việc quan sát thực địa.[49] Tháng 12 năm 2015, Viện Công nghệ Không gian trực thuộc VAST, kết hợp Bộ Công an nghiên cứu chế tạo thành công máy bay trinh sát điện tử không người lái tầm xa SH-6L.[50] Năm 2020, Viện Vật lý ứng dụng và Thiết bị khoa học thuộc VAST đã chế tạo thành công máy bay trực thăng không người lái Dragonfly-DF26 phục vụ mục đích dân dụng lẫn an ninh, quốc phòng.[51][52]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hiện đại hóa Quân đội nhân dân Việt Nam http://www.vietnamdefence.com/Home/tintuc/Viet-Nam... http://www.youtube.com/watch?v=hMD_zk0FJe4 http://vnexpress.net/tong-thuat/thoi-su/my-do-bo-h... http://www.vast.ac.vn/tin-tuc-su-kien/tin-khoa-hoc... http://anninhthudo.vn/quan-su/infographic-viet-nam... http://baodatviet.vn/anh-nong/sonar-sieu-manh-giup... http://baodatviet.vn/quoc-phong/quoc-phong-viet-na... http://baodatviet.vn/quoc-phong/quoc-phong-viet-na... http://baoninhthuan.com.vn/news/71510p0c154/viet-n... http://cand.com.vn/Khoa-hoc-Quan-su/May-bay-sieu-n...